Gần 3 năm nay, An Phát Holsings đã không đứng ngoài “cuộc chơi” thương mại điện tử khi chọn Amazon để bán hàng cho người tiêu dùng Mỹ, châu Âu… Đang xuất khẩu theo phương thức truyền thống với những lô hàng giá trị lớn, tại kênh xuất khẩu online, doanh nghiệp này không ngại đơn hàng nhỏ, từng bước xuất bán các sản phẩm túi rác sinh học tự phân hủy tới khách hàng ngoài biên giới, gây dựng thương hiệu và vị thế để có nền tảng chốt các đơn hàng lớn trong tương lai.
“Xuất khẩu online là hướng đi đúng trong thời kinh tế số. Sau thời gian đi trên con đường này, doanh nghiệp có các tệp khách hàng đăng ký mua đi mua lại hằng tháng”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó tổng giám đốc An Phát Holdings nói và cho hay, việc kinh doanh trên Amazon giúp Tập đoàn tiếp cận trực tiếp khách hàng cuối, doanh số trên sàn này năm 2022 đã tăng 21 lần so với năm đầu tiên 2021.
Quan trọng hơn, với sự phản hồi nhanh, trực tiếp từ các tệp khách hàng, doanh nghiệp có định hướng chuẩn xác hơn về sản phẩm xuất khẩu. Chẳng hạn, AnEco - thương hiệu sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao hiện đại của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA, thành viên của An Phát Holdings) - đã đưa thêm nhiều dòng sản phẩm như khăn trải bàn tự hủy, bộ dao thìa nĩa dùng một cần, túi đựng thực phẩm… tới khách hàng và được đón nhận hơn cả kỳ vọng, thể hiện qua tăng trưởng doanh số sau mỗi năm.
Gần 10 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon
Theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022 so với năm 2021. Các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp như AAA, Lafooco, Sunhouse, hay HMG… tiếp tục thành công khi đón sóng thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon. “Từ năm 2019 đến nay, Amazon Global Selling đã hỗ trợ hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam mang hàng triệu sản phẩm Việt đến với khách hàng trên toàn thế giới mỗi năm. Con số này đang tăng lên khi ngành sản xuất được mở rộng, năng lực cung ứng hàng hóa tốt lên”, ông Gijae Seong nói. |
Thông qua Amazon, năm 2021, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) đã đưa hạt điều Việt tham gia xuất khẩu online. Để sản phẩm có mặt tại Mỹ, Lafooco phải hoàn tất nhiều thủ tục theo quy định của Amazon, đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Mỹ, như có giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, tuân thủ các điều kiện về tem nhãn, quy trình đóng gói…
Sau một thời gian chinh phục, nhiều sản phẩm chế biến từ điều như hạt điều rang muối, nhân điều organic, hạt điều organic rang muối và hạt điều organic rang không muối của Lafooco đang được bán tốt trên Amazon. Động lực lớn cho Lafooco là hạt điều xuất khẩu qua Amazon tới người tiêu dùng Mỹ mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Doanh số xuất khẩu online sớm vượt 10 tỷ USD
Doanh thu thương mại điện tử theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD. Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử của các quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia EU, ngày càng tăng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhanh nhạy với xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong khi đó, xu thế tiến lên online để đẩy mạnh xuất khẩu tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư. Nghiên cứu mới được khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cho thấy, 86% các doanh nghiệp nói rằng, mục tiêu trong những năm tới là tập trung xuất khẩu nhiều sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Thuận lợi là hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Etsy, Shopify… Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam mở rộng kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều doanh nghiệp khác.
Các nhóm hàng có dư địa tăng trưởng xuất khẩu trên kênh Amazon là hàng tiêu dùng, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, nông sản chế biến… Số doanh nghiệp thuộc các ngành hàng này theo đuổi các chương trình đào tạo của Amazon để tiến lên kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp cận người mua hàng cuối cùng ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Hãng tư vấn Access Partnership (Anh), năm 2022, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam đạt giá trị khoảng 3,5 tỷ USD. Dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ mà các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, dự báo doanh thu xuất khẩu online của Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD vào năm 2027. Trong kịch bản khả quan hơn, đơn vị này còn đưa ra con số 13 tỷ USD vào năm 2027.
Để kinh doanh trên nền tảng số hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Con đường ngắn nhất là tham gia các chương trình hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới của các nền tảng Amazon, Alibaba... Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn để chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, cách thức phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vận chuyển hàng tới người tiêu dùng cuối, cách thức thanh toán...